Logo
  • Điểm đến
  • Danh mục
  • Dịch vụ
  • Tìm đọc theo
Mộc Châu

Mộc Châu

Cao nguyên Mộc Châu được gọi bằng một cái tên rất ưu ái, đó là ‘’Đà Lạt Tây Bắc” bởi khí hậu không khí quanh năm mát mẻ dễ chịu. Phù hợp đón khách du lịch mọi thời điểm trong năm. Và qua mỗi mùa, trên cao nguyên lại có những đặc trưng riêng nhất định đến từ những sắc hoa tươi thắm. Vì lẽ đó mà Mộc Châu còn được dành tặng biệt danh rất mỹ miều là ‘’thiên đường hoa’’.

1. Vị trí địa lý, ranh giới và đơn vị hành chính

Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180 km về hướng Tây Bắc, diện tích tự nhiên là 1.081,66 km2, chiếm 7,49% diện tích của tỉnh Sơn La, đứng thứ 8 trong số 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La. Huyện Mộc Châu có Quốc lộ 6, 43 đi qua, có chung đường biên giới với Việt Nam - Lào dài 40,6 km.

Toàn huyện có 15 xã, thị trấn gồm 2 thị trấn (thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông Trường Mộc Châu) và 13 xã.

Bản đồ hành chính của huyện Mộc Châu
Bản đồ hành chính của huyện Mộc Châu

2. Đặc điểm địa hình, phân vùng

Mộc Châu có đặc điểm đặc trưng địa hình vùng miền núi Tây Bắc, chia cắt phức tạp, nằm trên hệ thống núi đá vôi, có cao nguyên Mộc Châu với địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, độ cao trung bình khoảng 1.050 m so với mặt nước biển.

3. Khí hậu Mộc Châu

Mộc Châu có cả bốn mùa rõ rệt, với đặc điểm nổi bật là vùng khí hậu cao nguyên ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình/năm khoảng 18-200C, lượng mưa trung bình/năm khoảng 1.500 - 1.600 mm và độ ẩm không khí trung bình 85%.

Mộc Châu – Nơi trốn nóng lý tưởng cho gia đình mùa hè
Mộc Châu – Nơi trốn nóng lý tưởng cho gia đình mùa hè

4. Tài nguyên du lịch của Mộc Châu

Cao nguyên Mộc Châu diện tích rộng lớn với điều kiện khí hậu mát mẻ, có vị trí thuận lợi cách Hà Nội 180 km, cách Sơn La 120 km, đủ gần để khách đến, đủ xa để khách ở lại; Hệ sinh thái đa dạng, trong đó đặt biệt là vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp (đồng cỏ, vườn hoa), khí hậu ôn hòa, với các điểm danh thắng Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa...

Phong tục tập quán với lễ hội của người Mông, nét văn hóa người Mường và nếp sống của đồng bào Thái rất hấp dẫn du khách, nhất là ngày Hội văn hóa các dân tộc được tổ chức từ ngày 30/8 đến ngày 02/9 hàng năm, lễ hội Hết Chá, Cầu Mưa được tổ chức vào tháng 3 hàng năm; Ngày hội hái quả tổ chức vào tháng 5 hàng năm...

Lễ hội Hết Chá Mộc Châu - Lễ hội mang ơn đầy ý nghĩa tại vùng đất Tây Bắc
Lễ hội Hết Chá Mộc Châu - Lễ hội mang ơn đầy ý nghĩa tại vùng đất Tây Bắc

Có các di tích lịch sử văn hoá: Chùa Vặt Hồng; Văn bia trung đoàn Tây Tiến; Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu; di tích lịch sử văn hóa nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ công nhân Nông Trường Mộc Châu; di tích lịch sử Văn bia Trung đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam - Lào; Di tích lịch sử bia căm thù Khu 64; Di tích lịch sử bia căm thù Km 70; Di tích lịch sử đồn Mộc Lỵ...